Phương pháp Sashimi: Dân sales ai cũng nên biết để hóa giải lời than phiền “sao bán đắt thế” từ khách hàng

0
3492

Mới đây, trên một website về marketing có nhắc đến phương pháp giải quyết từ chối của khách hàng khi họ thấy giá sản phẩm quá cao. Tạm gọi đây là Phương pháp Sashimi. Bài viết này chúng tôi xin dẫn lại một số ý từ bài đăng nói trên. Hi vọng quý độc giả sẽ ứng dụng uyển chuyển phương pháp này vào thực tế kinh doanh của bản thân.


Để hiểu được phương pháp Sashimi trong bán hàng, trước hết cùng tìm hiểu về nguyên liệu, cách chế biến và cách thưởng thức Sashimi – món ăn truyền thống trứ danh đến từ đất nước mặt trời mọc.

Sashimi – Món tươi được cắt lát

Trong ẩm thực, Sashimi được xem là tinh hoa văn hoá Nhật đề cao sự tinh tế. Cảm giác tinh khiết có thể biến đổi từ cá hồi đến cá mực, từ cá ngừ đến thịt bò.

Sashimi được cắt thành từng lát mỏng có chiều rộng khoảng 2,5 cm, chiều dài 4 cm và dày chừng 0,5 cm (kích cỡ có thể khác nhau tuỳ vào loại nguyên liệu và người đầu bếp).

Sashimi ăn cùng với các loại nước chấm như xì dầu, tương, các loại gia vị như wasabi, gừng và một số loại rau nhất là tía tô, bạc hà và củ cải trắng thái chỉ hoặc một số loại tảo biển.

Sashimi thường là món đầu tiên trong bữa ăn trang trọng ở Nhật, nhưng cũng có thể làm món chính, ăn cùng với cơm và một chén súp Miso riêng.

Miếng hải sản cắt lát, thành phần chính của món ăn, thường được bọc trong rau củ trang trí. Rau củ trang trí điển hình là củ cải trắng, củ cải Nhật (daikon) cắt sợi, cùng với một lá tía tô .

Các loại nước sốt đơn giản ăn với sashimi, như là sốt shoyu và wasabi.

Nhiều người Nhật cho rằng sashimi, theo truyền thống được xem là món cá hảo hạng của ẩm thực Nhật, phải được ăn trước để tránh các món có mùi nặng làm ảnh hưởng đến khẩu vị.

Phương pháp Sashimi

Phương pháp Sashimi được áp dụng trong việc giải quyết từ chối của khách hàng khi họ nhận thấy giá sản phẩm cao quá (so với túi tiền của họ hoặc sản phẩm cùng loại khác).

Đầu tiên là nghiệp vụ “thái lát” giá bán thành những miếng mỏng giúp khách hàng dễ thưởng thức hơn.

Ví dụ, chiếc khẩu trang có giá lên đến 60.000 đồng (loại thường chỉ 15-20 ngàn đồng), có thể được “thái lát” thành: chỉ 2.000 đồng/ngày trong vòng 30 ngày.

“Chỉ 2 ngàn đồng mỗi ngày, anh có thể bảo vệ sức khỏe của bản thân khỏi khói bụi và ô nhiễm”.

Một chiếc đầm giá 3 triệu đồng, người bán hàng khéo léo có thể “thái lát” thành: chỉ 100.000 đồng/ngày trong vòng 30 ngày.

“Mỗi ngày mình để dành 100 ngàn bỏ ống là cuối tháng mình hòa vốn được cái váy này rồi đó chị”.

Ví dụ khác trong lĩnh vực internet, rất hay gặp các hình thái “thái lát” giá cước do sản phẩm là dịch vụ khó định hình (cầm, nắm) mà cước phí theo tháng, quý hay năm lại có vẻ “quá cao”. Các gói cước dịch vụ thường được “thái lát” rất mỏng, chẳng hạn như “chỉ 5.000 đồng/SMS/10 lần tải nhanh trong vòng 12 giờ” hay “chỉ 2.000 đồng/ngày để xem phim thả ga trên điện thoại”…

Sau khi đã “thái lát” giá cả để phần nào giúp khách hàng giải toả được áp lực tài chính, hãy “trang trí thêm rau củ và đồ chấm đi kèm”. Hãy giới thiệu trọn vẹn các giá trị đi kèm của sản phẩm, để khách hàng cảm thấy sản phẩm mình rất đáng đồng tiền bát gạo.

“Khẩu trang này không dùng sợi bông hóa học tẩm than hoạt tính mà dùng chính những sợi hoạt tính. Lớp sợi hoạt tính được dệt từ các sợi ái dầu siêu nhỏ bằng công nghệ đặc biệt và không dùng chất kết dính, khoảng cách giữa các sợi rất nhỏ. Do vậy, nó có thể giữ được nhiều hạt bụi có kích thước rất nhỏ”.

“Chiếc đầm này may bằng vải cao cấp nhập khẩu từ Hàn Quốc, chất mịn, thoáng, co giãn tốt, không nhăn, lại bền màu. Thi thoảng mình đầu tư một chiếc để mặc dịp quan trọng cho sang chị ạ”.

“Gói cước xem phim này sẽ được miễn cước data, miễn phí 3G”, “Gói tải nhanh này sẽ vô cùng tiện lợi vì bạn không cần đăng nhập hay đăng kí mà có thể tải không giới hạn”…

Cuối cùng là thôi thúc khách hàng phải hành động ngay.

“Chỉ còn 2 ngày nữa là hết thời gian khuyến mại mua khẩu trang với giá chiết khấu 50% như thế này thôi anh ạ”.

“Đây là 1 trong 2 chiếc đầm cuối cùng trong bộ sưu tập xuân hè rồi. Hết đợt này bên em không thiết kế nữa để tránh đụng hàng chị ạ”.

“Nếu chị không mang đủ tiền thì chỉ cần đặt cọc 500 ngàn đồng. Em giữ đầm lại cho chị nhé”.

Có thể uyển chuyển “thái lát”, thái thật nhỏ, theo nhiều cách, cho đến khi vừa “ăn”

Ví dụ 1 khoá học nấu ăn trị giá 3 triệu đồng, học trong 6 buổi. Thay vì “thái lát” còn 500 ngàn đồng/buổi, ta “thái lát” tiếp. 6 buổi học được 12 món, vậy là mỗi món chỉ có 250 ngàn đồng. “Đi ăn món đó ở nhà hàng 1 lần cũng gần bằng giá đó rồi. Mình học về trổ tài được bao nhiêu lần cho gia đình cùng thưởng thức”.

Các bạn đừng quên 1 mẹo nữa: Quy số tiền đã được “thái lát” thành 1 món hàng quen thuộc nào đó. Ví dụ: 3 ngàn đồng chỉ bằng ly trà đá, 30 ngàn đồng chỉ ngang tô phở hay 200 ngàn đồng tương đương 1 buổi xem phim ở Vincom.

Chúc các bạn chế biến Sashimi thành công!

Theo cafebiz